Về kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam, ngày 14 tháng 3 năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt “Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025” nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020: Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển; Cải tiến, ứng dụng các ngư cụ khai thác hải sản để bảo vệ rùa biển, ít nhất 3% số tàu lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa (TED); 100% các bãi đẻ tự nhiên của rùa biển được đầu tư bảo vệ; Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA (The IOSEA Marine Turtle Site Network); Trạm cứu hộ rùa biển được thành lập và hoạt động hiệu quả tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa; 100% thuyền trưởng các tàu làm nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây và câu cá ngừ đại dương được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển… Giai đoạn 2020-2025: Ít nhất 5% số tàu lưới rê và 10% số tàu lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa (TED); 100% nơi sinh cư của rùa biển được bảo vệ; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn rùa biển phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ sở dữ liệu về rùa biển được hoàn thiện, kết nối từ Tổng cục Thủy sản tới các Vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và các Chi cục Thủy sản địa phương.
Kế hoạch bảo tồn rùa biển đã đề cập 05 nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển: Áp dụng kỹ thuật, cải tiến ngư cụ khai thác hải sản giảm thiểu tử vong cho rùa biển; Thiết lập các vùng cấm khai thác có thời hạn để bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của rùa biển; Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan (Thủy sản, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Cảnh sát môi trường, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan...) trong công tác tuần tra, thanh tra, kiểm tra bảo vệ, bảo tồn rùa biển; (2) Thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của rùa biển: Bảo tồn nguyên trạng các bãi đẻ hiện tại của rùa biển; Tổ chức tập huấn kỹ thuật bảo vệ và quản lý bãi đẻ của rùa biển; Xây dựng mô hình điểm khu bảo tồn rùa biển, khu ấp trứng rùa biển theo tiêu chuẩn quốc tế (tại Côn Đảo); Bảo vệ nơi sinh cư, cứu hộ rùa biển; Điều tra khảo sát định kỳ xác định khu vực phân bố, số lượng, cấu trúc độ tuổi và thành phần loài của rùa biển; xây dựng và cập nhật bản đồ nơi sinh cư của rùa biển trong vùng biển Việt Nam; Hoàn thiện mạng lưới các khu bảo tồn biển theo Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tồn biển đến 2020; (3)Xây dựng và hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo vệ rùa biển; Nghiên cư và quan trắc các đặc điểm sinh học, sinh thái học cửa rùa biển; (4) Nâng cao nhận thức của cộng oồng và năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách về bảo tồn rùa biển; (5) Tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển; nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và thiết lập khu bảo tồn rùa biển liên biên giới.
|
Về giải pháp thực hiện, có tất cả 06 nhóm giải pháp: (1) Cơ chế, chính sách; (2) Khoa học công nghệ; trong đó, tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến có tính đột phá về quản lý nguồn gen; (3) Đào tạo, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế tham gia, phối hợp và tài trợ; (4) Xã hội hóa công tác bảo tồn rùa biển; (5) Hợp tác quốc tế; (6) Đầu tư: Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các Trung tâm, Viện nghiên cứu; xây dựng 02 Trạm cứu hộ rùa biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa.
Thành phần các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện bao gồm: Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp; Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Viện Nghiên cứu Hải sản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển; Các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển; Các Hội, Hiệp hội, Nghiệp đoàn nghề cá; Các tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến bảo tồn rùa biển.
Kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam
Ngày 13 tháng 11 năm 2020, tại Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025.
Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuỷ sản: Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Văn phòng Tổng cục Thủy sản; đại diện các Viện nghiên cứu: Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Tài nguyên và Môi trường biển, Hải dương học; Đại diện Chi cục Thủy sản các tỉnh: Bình Thuận, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh; đại diện Ban quản lý các Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia: Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo; đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện Côn Đảo: Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Công an huyện Côn Đảo và đại diện một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam: IUCN, WWF, TRAFFIC, HSI, FFI, ENV, CCD…
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Tổng cục Thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Theo Tổng cục trưởng, công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, nhận thức của các cơ quan quản lý và toàn xã hội được nâng cao; công tác ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rùa biển được thực hiện tốt ở trung ương và địa phương; hệ thống quy định pháp luật liên quan đến bảo tồn rùa biển cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Thủy sản Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về hiện trạng, phân bố, sinh học, sinh thái học, ảnh hưởng của các nghề khai thác thuỷ sản tới rùa biển, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, cải tiến ngư cụ khai thác nhằm hạn chế tác động tới rùa biển bước đầu đem lại kết quả tốt trong công tác bảo vệ rùa biển tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia và giảm tỷ lệ đánh bắt không chủ ý đối với rùa biển trong một số nghề khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, bảo tồn rùa biển vẫn còn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: sự chồng chéo về quy định bảo vệ các loài rùa biển; kinh phí được bố trí thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên còn hạn chế dẫn đến chưa triển khai hoặc triển khai không đồng bộ nên hiệu quả không cao; Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển còn thiếu nội dung kiểm soát, ngăn chặn săn, bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp rùa biển, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến rùa biển; chưa có sự phối hợp của các lực lượng thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ rùa biển.
Nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025 và đạt được các mục tiêu được đề ra tại Quyết định 1176/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã giao Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục và các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển và nơi sinh cư của chúng; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển. Đề xuất, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn rùa biển; nghiên cứu đề xuất các quy định về giám sát khai thác không chủ ý đối với rùa biển như quan sát viên trên tàu cá, ghi nhật ký khai thác thuỷ sản, áp dụng thiết bị thoát rùa trên ngư cụ khai thác thủy sản, giảm thiểu khai thác không chủ ý đối với rùa biển để bảo vệ rùa biển và đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam có nguồn gốc từ đánh bắt.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tiến ngư cụ khai thác, theo dõi đường di cư, khu vực tập trung kiếm ăn, sinh sản của các quần thể rùa biển bằng thiết bị định vị vệ tinh; Điều tra, đánh giá, lập bản đồ hiện trạng phân bố rùa biển, nơi sinh sản, đặc điểm sinh thái học, di truyền quần thể rùa biển Việt Nam; Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rùa biển như nhận dạng bằng hình ảnh (PhotoID), công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), bản đồ số. Nghiên cứu, đề xuất thành lập các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để tăng cường công tác bảo vệ rùa biển. Đề xuất, xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật như Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng… trong bảo vệ rùa biển và nơi sinh cư của chúng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rùa biển. Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Mạng lưới khu bảo tồn rùa biển IOSEA và các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có bảo tồn biển thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn rùa biển. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các quốc gia đối tác để huy động nguồn lực hỗ trợ tài chính và kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn rùa biển.
Ngọc Thúy – FICen